Bạn có biết hồ sơ tìm việc (resume) còn có một người anh em “chí cốt” nữa không? Nhân vật ấy chính là thư tìm việc (cover letter)! Hồ sơ và thư tìm việc là một cặp thân thiết mà nếu tách rời ra thì bộ hồ sơ tìm việc của bạn sẽ yếu “công lực” đi rất nhiều trước nhà tuyển dụng. Đến đây nhiều bạn tự hỏi: “Cover letter là cái gì nhỉ? Không có nó trong hồ sơ có được không?”
Theo khảo sát của trang web việc làm nổi tiếng CareerBuilder.com của Mỹ, có đến 66% nhà tuyển dụng (NTD) ưu tiên chọn đọc hồ sơ của ứng viên có đính kèm thư tìm việc. Vì sao thư tìm việc quan trọng như vậy? Thứ nhất, thư tìm việc giúp bạn nổi bật hẳn giữa một “rừng” ứng viên. Hãy thử tưởng tượng có trên 100 ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển, NTD sẽ chọn xem hồ sơ nào trước? Chắc chắn NTD sẽ chọn những bộ hồ sơ hoàn chỉnh có kèm thư tìm việc ghi rõ “duyên cớ” nào bạn muốn ứng tuyển vào vị trí này. Thứ hai, thư tìm việc giúp NTD biết được bạn có kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp với công việc hay không. Cuối cùng, thư tìm việc cho thấy bạn là một ứng viên nghiêm túc, rất quan tâm đến vị trí ứng tuyển và dành sự trân trọng đối với NTD.
Trên thực tế nhiều ứng viên bỏ qua bước viết thư tìm việc vì thực sự họ không rõ sẽ viết gì. Viết thư tìm việc 100 điểm thật ra không quá khó. Bạn chỉ cần nắm một số bí kíp đơn giản sau:
Cấu trúc của thư tìm việc:
* Phần giới thiệu:
Giới thiệu vắn tắt về bạn và những giá trị mà bạn có thể mang đến cho công ty.
* Phần thân bài:
Trình bày kỹ năng, kinh nghiệm, học vấn và thành tích của bạn.
* Phần kết:
Bày tỏ mong muốn chân thật và tâm huyết của bạn được làm việc với công ty.
6 điểm nhấn để đạt 100 điểm cho thư tìm việc của bạn
* Đừng bắt đầu bằng “Tôi muốn ứng tuyển vào vị trí… đăng trên báo X ngày…”
Chắc bạn còn nhớ NTD chỉ dành khoảng 15 giây để “liếc” qua hồ sơ của ứng viên, vì vậy câu đầu tiên của bạn phải bắt được sự chú yù của họ. Thử nghĩ mà xem, NTD sẽ cảm thấy như thế nào nếu nhận được 100 hồ sơ và có đến 90 hồ sơ bắt đầu bằng câu nói truyền thống trên? Vì vậy, cách hay nhất để thu hút sự chú ý của NTD là bạn nêu các kỹ năng nổi bật của mình “Với 5 năm kinh nghiệm về quản lý dự án, tôi tin mình sẽ góp phần không nhỏ cho sự phát triển của Quý công ty”.
* Chọn cách xưng hô
Bạn nên nêu rõ tên của người phụ trách tuyển dụng (để làm được điều đó bạn phải dành thời gian tìm hiểu) “Thưa Ông/Bà X” thay vì “Thưa Ông/Bà” chung chung. Như thế vừa tạo được sự gần gũi vừa thể hiện bạn là ứng viên chuyên nghiệp.
* Trình bày những kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp
Trong phần chính của thư tìm việc, bạn chỉ nên trình bày những kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu của vị trí ứng tuyển. Minh họa thành tích của bạn bằng số liệu cụ thể là cách tốt nhất để tạo ấn tượng thuyết phục đối với NTD. Để trình bày kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp, bạn cần đọc thật kỹ mục mô tả công việc.
* Nhấn mạnh đam mê của bạn đối với công việc và công ty
Bạn đừng bao giờ đề cập đến “lý do tài chính” ở đây (cho dù đó là sự thật!). Thay vào đó, hãy khéo léo bày tỏ đam mê của bạn đối với công việc, với những cơ hội mà công việc này sẽ mang đến cho bạn. Để “tranh thủ” tình cảm của NTD (hẳn bạn còn nhớ cảm nhận của NTD đóng vai trò như thế nào đối với quyết định tuyển chọn ứng viên), bạn có thể bày tỏ sự khâm phục của mình đối với truyền thống, thành tựu và văn hóa của công ty.
* Đừng viết quá dài
Thư tìm việc không phải là tác phẩm văn chương nên bạn đừng viết dài quá vì điều đó chỉ khiến NTD ngán ngẩm. Một thư tìm việc lý tưởng chỉ nên gói gọn trên một trang A4.
Thư tìm việc nên được trình bày dễ đọc, không cần màu mè. Bạn nên định dạng thư tìm việc với những kiểu chữ dễ nhìn như Arial, kích thước chuẩn là 12.
* Kết thúc bằng sự nhiệt huyết
Giống như một bản giao hưởng nổi tiếng, bạn nên kết thúc thư tìm việc của mình bằng một nốt nhạc cao vút khơi gợi sự hứng khởi đối với người nghe. Hãy thể hiện sự sẵn sàng gặp gỡ NTD trong một buổi phỏng vấn gần đây nhất. “Tôi rất mong được gặp ông/bà để chúng ta có thể trao đổi thêm về kinh nghiệm của tôi ở vị trí này. Ông/Bà có thể liên lạc với tôi bất cứ lúc nào theo số điện thoại 0903...” Để lại số điện thoại là cách giúp NTD liên lạc với bạn nhanh chóng trong trường hợp họ “chấm” bạn.
Thư tìm việc ngắn thôi nhưng lại đóng vai trò quan trọng không nhỏ đến việc bạn có lọt vào “mắt xanh” của NTD hay không. Vì vậy, hãy đầu tư thời gian và chất xám tương xứng cho nó. Cuối cùng, bạn nên đọc thật kỹ thư tìm việc sau khi viết xong để lỗi ngữ pháp/chính tả không làm hỏng tình cảm tốt đẹp của NTD dành cho bạn nhé...(st)